Từ khi du nhập vào Việt Nam, sắn đã trở thành một trong năm loại ngũ cốc chủ lực của ngành nông nghiệp. Củ sắn được coi là thực phẩm cứu đói cho dân ta những năm khốn khó. Nhưng lá sắn thì sao? Có thể chúng ta chưa biết, nhưng đây là một loại thực phẩm đầy tiềm năng đấy. Hãy cùng Caromi đi tìm hiểu sâu hơn về loại lá này nhé!
Lá sắn (khoai mì) là gì?
Sắn là loại cây thân bụi, có thể cao 2-3m. Thân sắn có vô số nốt sần xùi do cuống lá rụng. Về cơ bản các loại lá sắn chia thành 5-7 thùy và đều có màu xanh. Lá sắn mọc đều đặn trên thân cây từ dưới lên trên. Những lá già và ít đón ánh nắng mặt trời ở bên dưới sẽ dần bị héo và rụng đi cùng với cuống. Trong 100g lá sắn khô có chứa 24,2% carbohydrate, protein 24%, chất béo 6%, xơ 11% & chất khoáng 6,7%. Hàm lượng chất xơ cao bất ngờ này là một con sốlý tưởng cho ngành thực phẩm. Giống như củ, lá sắn chứa một lượng độc tố HCN đáng kể, gây e ngại tới người dùng.
Trên thực tế việc loại bỏ chất độc này khỏi sắn lại hết sức dễ dàng.
Công dụng của lá sắn
Phần lớn lá sắn hiện nay được dùng làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò và cá. Nếu không, người nông dân cũng đem chất đống ủ làm phân bón hoặc vứt bỏ. Việc chưa tận dụng nguồn lá sắn này là rất đáng tiếc.
Riêng phần đọt và lá non của sắn từ lâu đã được bà con miền Bắc ưa chuộng. Món dưa sắn nổi tiếng tại vùng đất Phú Thọ hay Ba Vì là một ví dụ cụ thể.
Cách làm dưa sắn
Để làm được món dưa này thực ra cũng khá cầu kỳ. Khi sắp nhổ sắn, các mẹ vẫn hay cầm nón đi hái ngọn và lá sắn non. Người ta không chọn là già hay lá bánh tẻ vì sau khi muối, những loại lá này sẽ bị xơ và không ngọt. Khi nón lá đã đầy, ngọn và lá sắn non được đem về rửa sơ cho bớt nhựa. Lại đem vò nát thật khéo, nghĩa là vẫn giữ được hình dáng của ngọn & lá, đem đi rửa sạch rồi để cho thật ráo nước.
Giờ chỉ cần đảo đều với muối hạt cho thấm, chất vào hũ hoặc chum, đổ nước sôi để nguội còn ấm lên và đậy kín. Đợi 5-7 ngày là dưa sẽ “chín” và có thể dùng được. Dưa sắn nấu với chân giò, kho với cá hoặc tép là loại hương vị thơm ngon không thể cưỡng lại được. Vị beo béo của chân giò quện cùng vị chua chua của dưa sắn, thấm nước kho sền sệt sẽ rất là hao cơm.
Kết lại
Không chỉ ăn ngon đâu, lá sắn còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe đấy! Trong bài viết kế tiếp, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc chi tiết về loại rau độc đáo có 1-0-2 này. Bạn đã từng thử món dưa sắn chưa? Cùng chia sẻ với mọi người trải nghiệm của bạn nhé!
(Bài viết có sự tham khảo từ nguồn Rau rừng Việt Nam, mọi ý kiến đóng góp vui lòng comment bên dưới hoặc email về địa chỉ caromi.vn@gmail.com)