Loại phở đẹp nhất Việt Nam

Nhắc đến Quảng Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món mì Quảng nức tiếng hay cao lầu mang danh “đặc sản Hội An”. Nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu như cái tên phở sắn không được gọi tên, bởi đây là một món ăn độc đáo khiến nhiều người thương nhớ. Loại phở sắn đặc biệt này được chị Lê Thị Kim Ánh tự hào giới thiệu là “loại phở đẹp nhất Việt Nam”, bắt nguồn từ thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. 

Gọi là phở sắn đơn giản bởi vì sợi phở được làm từ nguyên liệu đặc biệt chính là củ sắn, được trồng tại vùng Quế Sơn đất cằn, sỏi đá, chỉ có cây sắn mới sống được. Không ép khuôn theo dạng dẹt và dài như các loại phở mà chúng ta vẫn ăn thông thường, sợi phở sắn được đan thành hình lưới trông rất lạ mắt. Và tất nhiên, để chế biến ra món phở này cũng đòi hỏi các công đoạn cầu kỳ. 

Thời kỳ hưng thịnh tất cả các hộ dân trong làng đều sản xuất phở sắn. Đến giai đoạn năm 2017-2018, làng nghề đã thoái trào, chỉ còn 2-3 hộ vẫn duy trì sản xuất và trong trạng thái có thể ngưng hoạt động bất cứ lúc nào. Có nhiều lý do dẫn đến việc thoái trào, tiêu biểu là nghề quá cực, vất vả, không có đầu ra, phụ thuộc thời tiết, môi trường, bà con lấy công làm lời vẫn không thể trụ được với nghề. Lớn lên nhờ cái nghề phở sắn mà ăn học thành tài và làm chủ một công ty, chứng kiến làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền và không có lớp trẻ kế thừa, chị Ánh và chồng quyết định cần làm cái gì đó để khôi phục lại làng nghề, giữ gìn nghề truyền thống của quê hương.

Ngành nông nghiệp Việt Nam sản xuất gần 10 triệu tấn sắn/năm, tuy nhiên, thu nhập của người trồng sắn rất bấp bênh và dường như không có khả năng tái đầu tư để canh tác bền vững, gây thoái hóa và xói mòn đất, dẫn đến các nhà máy sẵn đã và đang gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Sau thời gian tìm hiểu về các tính năng vượt trội của củ sắn, chị Ánh chắc chắn rằng có thể đi xa hơn với các sản phẩm làm từ loại củ này, và Dự án phở sắn Caromi ra đời từ đó.

Trong quá trình thực hiện, chị Ánh và đội ngũ đã nghiên cứu, đổi mới để quy trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Dự án đã liên kết với người trồng sắn, đảm bảo đầu ra ổn định và thu mua với giá tốt. Đồng thời, dự án cũng giúp phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập thông qua việc cung cấp kỹ thuật, nguyên liệu đầu vào, bảo đảm đầu ra cho người làm phở. Mỗi năm Caromi tham gia khoảng 20 hội chợ trong và ngoài tỉnh, tổ chức hơn 10 sự kiện dùng thử, trải nghiệm miễn phí tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị. Tại đây, các mẫu thử nhà Caromi được khách hàng hưởng ứng rất nhiệt tình.

Phở sắn - Loại phở đẹp nhất Việt Nam

Sản phẩm phở sắn, bánh tráng sắn của Caromi đáp ứng tiêu chuẩn HACCP ( Hazard Analysis and Critical Control Points – một tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng giúp doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát giới hạn các mối nguy hình thành trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm) và được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam (phở sắn: 4 sao, bánh tráng sắn: 3 sao). Ngoài ra, Caromi còn gặt hái được một số giải thưởng về khởi nghiệp như Giải nhì Trình bày ý tưởng khởi nghiệp trước nhà đầu tư quốc tế SURF Đà Nẵng 2018, Giải nhất Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phở sắn và các sản phẩm liên quan được thị trường ưa chuộng

Từ những kiến thức và kinh nghiệm được học tại Chương trình, chị Ánh nhận thấy tập trung và đa dạng hóa bằng cách kết hợp các kênh Online và Offline song song với nhau là yếu tố tiên quyết trong chiến lược của doanh nghiệp. Trước đây, phở sắn chủ yếu được tiêu thụ ở trong huyện Quế Sơn. Sau 4 năm đưa sản phẩm ra thị trường, sản phẩm Caromi hiện được bán tại hơn 30 cửa hàng thực phẩm sạch trên ở Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương. Caromi đã được đưa vào hệ thống siêu thị Winmart, Coopmart, Big C. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có các đại lý online và các sàn thương mại điện tử uy tín. Ngoài phân phối qua các kênh, chị Ánh còn thử nghiệm phương pháp du lịch trải nghiệm: liên kết với công ty du lịch để mở tour trải nghiệm cách làm phở sắn thủ công và thưởng thức phở sắn ngay tại Hội An, liên kết với đầu bếp nổi tiếng để giới thiệu phở sắn trên truyền hình cũng như đưa vào các nhà hàng, khách sạn lớn. 

Đầu bếp Trần Ngọc Nghĩa và món Phở sắn

Hiện nay, dòng sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp là phở sắn nguyên chất 400g và bánh tráng sắn 150g. Hai dòng sản phẩm này đang chiếm 80% doanh thu của Caromi. Riêng với sản phẩm bánh tráng sắn, tỷ lệ khách hàng quay lại mua tiếp đến 95%. Hiện tại, Caromi đã có một lượng khách hàng trung thành dùng bánh tráng sắn đông đảo với số lượng mua mỗi lần tương đương với khách mua sỉ. 

Theo chị Ánh, hướng đi sắp tới của Caromi là xây dựng kênh phân phối vững chắc, đưa sản phẩm vào thêm nhiều Nhà hàng, khách sạn cao cấp. Đồng thời phát triển sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu ẩm thực trong nước và quốc tế, hướng tới xuất khẩu sang các nước lớn. Hiện Caromi đang phối hợp với trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng để nghiên cứu gói gia vị cho phở sắn ăn liền và mì Quảng theo dạng sản phẩm Ready to cook, dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2024.

Sự thành công của Công ty Cổ phần Caromi cùng sản phẩm phở sắn và các sản phẩm khác làm từ sắn đã mở ra hướng đi mới nhằm lưu giữ và phát huy nét văn hoá bản địa xứ Quảng, nâng tầm thương hiệu sản phẩm địa phương, đồng thời từng bước chinh phục những thực khách khó tính nhất từ nhiều nơi.