Bàn về Phở Sắn

Phở sắn còn có tên gọi khác là bún sắn, mành mành, bún võng. Thực chất, đây là loại phở thuần chất, không pha tạp. Được làm từ củ sắn (mỳ) giàu tinh bột và dinh dưỡng nhưng không pha tạp bất kì phụ gia nào. Món phở này đã và đang làm mưa làm gió trong giới chị em! Thật thiếu sót nếu không biết gì về loại thực phẩm rất Việt này.

Vì đâu lại có món phở sắn? sao nó lại có hình dáng lạ mắt đến vậy? Phở sắn thì khác gì các loại phở còn lại? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu sâu về loại phở độc đáo có 1-0-2 này nhé!

Tương truyền rằng…

Chính thức công nhận làng nghề Phở Sắn Đông Phú, năm 2013

Theo sử ký ghi lại, nghề phở sắn có thâm niên đã gần 100 năm tuổi. Từ đầu thế kỷ 20 người dân tổng Thuận An đã đem Phở Sắn đi giao thương tại nhiều vùng lân cận. Ngay cả những người già hơn cả những người già nhất làng cũng không nhớ chính xác, phở sắn có từ năm nào tháng nào. Lý do vì sao người ta sáng tạo ra món phở này lại càng “kì bí” hơn. Có nhẽ bởi đất đai vùng trung du này thích hợp với việc trồng sắn. Mà người ta lại không thể ngày ngày ăn sắn luộc thay cơm. Phở sắn có khi ra đời từ lý do giản đơn như vậy.

Hình dạng kì lạ của Phở Sắn

Phở sắn sở hữu hình dáng sợi phở lạ mắt độc đáo

Lại bàn về hình dạng lạ mắt của Phở sắn. Các đầu bếp bình chọn đây là loại phở đẹp nhất Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào đã đủ thấy độc đáo và cuốn hút. Không giống các loại mì phở thông thường, Phở Sắn có hình mắt lưới. Giống như lưới B40, lại giống như mắt võng. Bởi vậy cái tên Bún Võng, Mành Mành, Bún Lưới của Phở Sắn là cái rất riêng không nơi nào sánh được.

Sở dĩ có hình dạng lưới bởi sắn là loại thực phẩm không chứa gluten. Đây là 1 loại chất kết dính có trong nhiều thực phẩm, và không phải lúc nào cũng tốt. Mặt tốt là không chứa gluten cũng gây “trướng ngại” trong việc làm phở. Người ta phải nấu chín, và kéo sợi từ bột chín nhưng lại không thể nhúng vào nước như phở thường. Vì độ kết dính của loại phở này là không nhiều, gặp nước là nhão ra ngay được. Thế là việc đan các sợi phở với nhau ra đời. Cứ việc đưa qua, đưa lại là sẽ có ngay hình dạng mắt lưới độc đáo. Sau khi phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời 5-6 tiếng đồng hồ, là người ta phải thu hoạch tức thì. Nếu không mẻ phở sẽ bị giòn quá và gẫy cả.

Cách làm kì quái

Tái hiện và trải nghiệm quy trình làm Phở Sắn thủ công

Thức dậy làm phở từ 4 giờ sáng, cặm cụi chắt lọc, đun nấu và đan phở tới quãng 8 giờ là ẻm phở đã lên giàn. Thế nên dù có nắng chang chang thì lúc 1-2 giờ chiều là bà con phải đội nắng đi thu phở gấp gáp. Sau dỡ phở ra khỏi vỉ, gom thành cuộn đóng gói bảo quản kỹ càng. Có một điều lạ là mỗi hộ làm cả mấy trăm ký 1 ngày nhưng vẫn bay vèo hết. Theo thống kê, mỗi ngày nội huyện Quế Sơn tiêu thụ gần 1 tấn phở sắn. Con số thật đáng kinh ngạc, phải không nào?

Phở sắn có gì khác biệt?

Không giống như bất kỳ loại phở nào, chỉ riêng phở sắn không cần nấu

Vậy ăn phở sắn khác gì các loại phở thông thường? Đầu tiên phải kể đến, đó là hương vị tự nhiên. Phở sắn được làm hoàn toàn tự nhiên, nấu chín bằng củi bếp và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Nhiều khi ngửi sợi phở, người ta còn ngửi thấy cả mùi nắng vàng thơm nức. Kế đến đó là tính chất của sợi phở sắn, dai dai, bùi bùi không lẫn vào đâu được. Nếu tất cả các loại phở đều phải nấu, luộc, trụng thì phở sắn Khôn Cần Nấu. Chỉ việc ngâm vào nước thường hoặc nước ấm 5 phút cho mềm, vớt để ráo là ẻm phở đã sẵn sàng phục vụ rồi. Ngày xưa thật là xưa, những người đi gặt lúa, trưa ngâm chỉ ngâm 1 rổ phở, chấm nước tương ăn vẫn ngon lành. Có điều kiện hơn thì người ta nấu nước nhưn cá lóc, cá ngừ chan lên phở với ít chuối cây sắt lát. Chu choa hắn ngon mà dễ ăn. Hay làm salad trộn, chiên phồng, hấp như cách đầu bếp nổi tiếng hay làm. Chỉ riêng loại phở này, chẳng ngán bất kì cách chế biến nào cả! Thật kì diệu phải không nào?

Túm gọn

Trên đây mới chỉ là một vài mẩu thông tin nho nhỏ về món phở chứ danh Quế Sơn! Hi vọng đã phần nào “phổ cập” nhóm thực phẩm sạch này cho nhiều người dùng. Phở Sắn đã và đang trở mình thành món ngon không chỉ núp sau lũy tre làng. Nếu là người Việt thì không thể bỏ qua em nó đâu.

Bạn nghĩ gì về món ẩm thực này? hãy cho mọi người biết nhé!

 

Categories: Blog