Bánh tráng sắn – loại bánh tráng mà chỉ ở vùng trung du các địa phương Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ của Quảng Nam mới có. Những quả đồi như bát úp, thường khô hạn vì thiếu nước tưới thì chỉ có sắn (khoai mì) mới trụ nổi.
Canh tác sắn ở xứ khô cằn
Hom sắn cắm xuống đất, không phân tro, tưới tắm gì mà vẫn chịu thương chịu khó đâm chồi, nảy lá. Và chỉ một năm sau là mỗi gốc cho một chùm củ lúc lỉu, mập mạp. Sắn là cây lương thực quan trọng của người dân quê Quảng Nam chỉ sau cây lúa.
Từ món ăn cứu đói…
Sắn đi vào đời sống người nông dân Quảng Nam bình dị như không khí họ vẫn thở hằng ngày. Sắn nấu, sắn hấp, sắn ghế cơm, sắn xào với chút nước mắm cho những bữa cơm ăn vội ngày mùa.
Tới mùa sắn, nhà nào cũng phơi trước sân những nong sắn lát để dành cho mùa mưa, hoặc dành làm thức ăn cho đàn heo rấm trong chuồng để chuẩn bị cho Tết. Mùa thu hoạch sắn, trước sân nhà nào cũng đầy những nong sắn mà bà con tranh thủ xắt vào ban đêm để kịp nắng ban ngày. Sắn lát đã phơi khô giòn, được nhà nhà cất trong các chum sành. Mùa giáp hạt bà con sẽ độn vào cơm, ăn cho chặt bụng mà cầm cự với mưa dầm gió bấc.
Đến món bánh tráng sắn tuyệt tác
Những chum sắn khô này cũng là thứ để cho ra loại bánh tráng sắn dân dã của người dân quê Quảng Nam. Có lẽ trong các món ăn chế biến từ sắn khô thì phở sắn và bánh tráng sắn là được ưa chuộng nhất. Khác với phở sắn, muốn ăn ngon phải có tôm, thịt xào lên và rau thơm trộn vào mới đủ vị. Bánh tráng sắn đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần vài ba cọng rau muống rửa sạch, cuốn vào bánh tráng sắn nhúng nước cho dẻo và chấm vào chén mắm cái dầm ớt là đã có một món ngon.
Nếu có thêm mấy con cá nục hấp rồi cuốn vào, xong chấm cuốn bánh tráng sắn ấy vào chén nước cá nục pha thêm chút mắm, chút ớt tỏi nữa, thì không thể tả được cái ngon, cái thú của món bánh tráng sắn.
Bánh tráng sắn được làm như thế nào?
Làm thế nào để để có những chiếc bánh tráng sắn ngon, thơm dẻo? Và khi nhúng nước không bị sượng? Điều này đòi hỏi người làm bánh phải hết sức khéo léo. Tương tự như bánh tráng gạo, làm bánh tráng sắn cần nhiều thời gian hơn vì phải ngâm bột để lọc.
Sắn lát xay mịn, xong cho nước vào bột sắn, khuấy đều lên. Đợi bột lắng xuống dưới thì đổ lớp nước vàng ở trên đi. Chắt lọc bột liên tục cho đến khi nước ngâm bột sắn trong veo mới đem bột ra tráng bánh. Bột sắn phải trộn thật đều tay, lượng nước vừa đủ. Sao để bột không quá lỏng hay quá đặc bởi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh.
Bột sắn dẻo quánh hay bị dính hơn bột gạo, nên khi tráng bánh, người tráng phải xoay cái vá tráng bột thật nhanh và đều để tránh chỗ dày, chỗ mỏng. Xong đậy vung chừng một phút là bánh chín. Lúc này phải dùng thanh tre cật mỏng đỡ lấy lá bánh dẻo quẹo đó trải lên phên tre.
Mỗi tấm phên chừng 10 đến 12 cái bánh thì đem phơi nắng. Bánh phơi đủ nắng sẽ có màu vàng như màu tơ. Đợi bánh đủ nắng thì xếp lại và ràng ngay ngắn, bỏ vào trong bao kín để bảo quản được lâu.
Bánh tráng sắn – thức quà quê gieo thương nhớ xứ Quảng
Ai đã từng lớn lên bên những nương sắn, khi đi xa quê vẫn thèm được nhúng cái bánh tráng mỏng đó vào nước cho mềm và cuốn vài cọng rau muống với con cá nục hấp rồi chấm vào chén mắm cá cơm thơm lừng và cay xé lưỡi. Để thấy món quà quê dân dã ấy có một hấp lực rất lớn làm cho người đi xa quay quắt nhớ và muốn quay trở về.
Bánh tráng sắn làm ra bao nhiêu là bán chạy hết bấy nhiêu. Trước kia muốn được thưởng thức thứ quà quê thơm ngon này người ta thường phải đặt trước nhiều tuần liền. May mắn thay sắp tới tại Quế Sơn sẽ có một xưởng bánh tráng sắn uy tín chính thức đi vào hoạt động. Mọi người hãy cùng đón chờ nhé!
Nguồn: nguoiquangphianam.com