Thủ phủ làm phở sắn trăm năm tuổi độc nhất ở Quảng Nam

Không chỉ bán trong nước, phở sắn của làng nghề Đông Phú (Quảng Nam) còn được xuất sang Mỹ. Nghề làm phở sắn hơn trăm năm tuổi đã trở thành đặc sản của một thủ phủ trồng khoai sắn.

Trở lại “thủ phủ” phở sắn ở thôn Thuận An, Thị trấn Đông Phú, (Quế Sơn, Quảng Nam), trên con đường từ đầu đến cuối làng, đâu cũng thấy những vỉ phở bày phơi la liệt trước các khoảnh sân.

Ông Nhẫn đang cho ép phở sắn
Ông Nhẫn đang cho ép phở sắn

Theo dòng lịch sử

Ông Trương Đăng Nhẫn (63 tuổi) cho biết: “Ngày trước, bún phở sắn Quế Sơn bắt đầu phát triển vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, nhưng do chiến tranh tác động nên mãi đến giữa thập niên 80, nghề này mới được khởi động trở lại ở các xã trung du của huyện Quế Sơn. Ngày nay, thị trấn Đông Phú là nơi sản xuất nhiều nhất”.

“Để có được những tấm bánh phở thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn công phu. Củ sắn phải trồng trên một năm tuổi, đem về lột sạch vỏ, thái lát mỏng, phơi khô và đem xay thành bột mịn. Bột sắn sau khi xay, khuấy đều với một lượng nước vừa phải. Đợi tinh bột sắn lắng xuống, gạn lấy nước đứng có màu vàng bỏ đi, đến khi nước trong thì mới thôi. Khi có được tinh bột đạt chuẩn, tiếp tục cho vào nồi nấu chín. Khi nấu phải khuấy liên tục để bột được chín đều. Nấu xong, tinh bột sắn được cho vào dụng cụ ép thành sợi trên vỉ rồi mang ra phơi nắng” – ông Nhẫn chia sẻ.

Phở sắn được đan trên lưới
Phở sắn được đan trên lưới

Hiện trạng thủ phủ Phở sắn

Hiện người làm bún phở sắn ngày một ít đi. Tuy nhiên, với phở sắn, dù có nhiều gia đình đã bỏ nghề nhưng nó vẫn có một vị thế nhất định trên thị trường. Ngoài người địa phương mua làm quà cho bạn bè, người thân thì nó còn được tiêu thụ ở các thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…

Cũng theo ông Trương Đăng Nhẫn, riêng gia đình ông đã ít nhất 3 lần bán phở sắn sang tận nước Mỹ. Dù ở hiện tại, số lao động theo nghề đang “già hóa” nhưng họ chưa bao giờ thấy cái món phở sắn bình dân được yêu chuộng và người làm phở sắn được nhà nước hỗ trợ nhiều như lúc này.

Phở sắn được phơi dưới nắng mặt trời liên tục từ 5-6 tiếng
Phở sắn được phơi dưới nắng mặt trời liên tục từ 5-6 tiếng

Chính sách của nhà nước

Ông Bùi Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đông Phú cho biết: “Ngoài nỗ lực làm mới nghề phở sắn truyền thống, địa phương đã tiến hành lập hồ sơ xin cấp thương hiệu cho làng nghề. Và từ đề xuất của địa phương, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Quảng Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy ép phở sắn chạy bằng điện. Và một số hộ sản xuất đã được trang bị loại thiết bị mới này”.

Kết luận

Trước kia con người vẫn thường cho rắng sắn là dành cho con nhà nghèo. Thế nhưng ngày nay, đây là món khoái khẩu của hầu hết cư dân thành phố. Theo nhiều nghiên cứu, trong sắn chứa lượng tinh bột và khoáng chất dồi dào. Với lượng chất xơ phong phú, ăn phở sắn giúp giảm cân, tiểu đường và cholesterol xấu trong máu. Những đức tính quý báu đó, các bà nội trợ đều mong mua được loại phở độc đáo có 1-0-2 này.

Để tránh bị mai một làng nghề, tại Quế Sơn đã nổi lên dự án của người trẻ tuổi. Dự án Caromi do Dương Ngọc Ảnh khơi nguồn. Ảnh xuất thân từ gia đình đầu tiên hồi phục lại nghề phở sắn tại Quế Sơn. Dự án của anh đã và đang nhận được sự quan tâm to lớn từ các ban nghành địa phương. Từ sản phẩm phở thủ công truyền thống, anh đã nâng tầm phở sắn, vươn ra khỏi lũy tre làng. Hứa hẹn phở sắn sẽ là món ăn được phổ biến rộng rãi tại các nhà hàng siêu thị trong thời gian tới.

 

Categories: Blog