Điều bất ngờ nhất trong vòng thi chung kết dự án khởi nghiệp của Hội nghị SURF vừa qua tại Đà Nẵng, là sự lên ngôi của một dự án kỳ lạ: Phở sắn Quế Sơn. Món ăn vừa nhà quê, vừa nghèo lại sắp thất truyền của một vùng xa xôi hẻo lánh đã được các chuyên gia quốc tế chọn.
Cuộc sống đói khổ, thiếu ăn sau chiến tranh đã khiến người dân vùng đất Quế Sơn, Quảng Nam sáng tạo ra một món ăn độc đáo: phở làm từ củ sắn (khoai mì). Cách đây khoảng 22 năm, ba tôi – ông Dương Ngọc Xinh – gây dựng lại nghề phở sắn. Lúc đó tôi mới 12 tuổi, hằng ngày dậy từ 4 giờ sáng phụ ba mẹ kéo phở rồi sau đó đến trường. Trong thời gian đầu, đó là một nghề rất vất vả. Vỉ phơi bằng tre phải được đánh dầu hằng tuần để khỏi bị dính làm phở gãy, hư. Thời gian sử dụng ngắn, nhanh hư hỏng và tốn thời gian lâu để tạo ra 1 cái vỉ mới. Chắt lọc nước ngâm bột sắn thường xuyên dễ bị hư da tay chân. Đánh bột bằng tay liên tục hơn 40 phút để cho khỏi cháy và bột nhuyễn, muốn rụng tay.
Dương Ngọc Ảnh đang thuyết trình về dự án.
Do ép và kéo phở bằng tay nên năng suất thấp, người lao động phải dậy từ sáng sớm để kịp kéo phở trước khi trời nắng gắt, thu hoạch phở dưới nắng nóng. Nghề này phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Ví như trời mưa thì sẽ không thể sản xuất được. Đến hiện tại, nghề Phở Sắn đã đỡ vất vả hơn nhờ vào sự sáng tạo của người dân làng nghề. Tuy nhiên, người dân vẫn còn nghèo và không có lớp trẻ kế tục. Nguyên nhân là bởi giá nguyên liệu đầu vào cao và khó kiểm xoát. Người sản xuất phải thông qua thương lái mới mua được nguyên liệu và phải đặt cọc trước với số tiền lớn, trong khi vốn người dân không đủ. Cùng với đó là chi phí sản ngất ngưởng, hao hụt sắn do phải chọn lọc lại sắn tốt, phơi thật khô và xay thành bột cùng các chi phí khác.
Khó công là vậy, nhưng giá bán rất thấp. Sau khi trừ đi chi phí, nếu gia đình có hai người (và có hai con phụ giúp), sản xuất mỗi ngày 60kg Phở Sắn thì số tiền còn lại là: 213,000 đồng. Số tiền này rất thấp, lấy công làm lời, so với một người công nhân thì càng không đáng nói. Nhiều công nhân còn có thu nhập cao hơn.
Nghề phở sắn đã đưa tôi vào giảng đường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP HCM chuyên ngành Công nghệ thông tin. Hiện tại, tôi là Giám đốc Công ty riêng 11 năm về lĩnh vực gia công phần mềm quản lý cho doanh nghiệp Đức. Cách đây 6 tháng, trong một lần về quê, hỏi thăm gia đình và người dân làng nghề, tôi quyết định mình cần làm điều gì đó để duy trì và phát triển làng nghề. Dự án phở sắn Caromi ra đời từ đó với Slogan “Back to the roots” (trở về cội nguồn, cũng có nghĩa là củ (rễ) – hướng đến người dùng sử dụng các món ăn từ củ có giá trị dinh dưỡng cao và ít hóa chất). Hiện tôi đã nghỉ làm CNTT và tập trung hoàn toàn cho việc phát triển dự án Phở Sắn Caromi.
Cây sắn tại Việt Nam được trồng rất nhiều 8->10triệu tấn/năm, thời gian trồng lâu và hút rất nhiều dinh dưỡng của đất vào củ. Do đó củ Sắn có rất nhiều giá trị bổ trợ như: giàu chất khoáng (Canxi tốt cho xương, Sắt tốt cho máu, Kali tốt cho tim mạch, …), không tăng cân, gluten free, giảm cholesterol, giảm đường máu, hỗ trợ tiêu hóa … Cây sắn nói chung, và Phở Sắn nói riêng xứng đáng có vị thế khác và mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn. Tôi và vợ, quyết dốc hết sức mình cho món phở này đi xa hơn trên thế giới.
Nguồn: Báo Khoa Học và Phát Triển
Categories: Blog