Tháng 6 về, tiếng ve sầu kêu râm ran từ bận 4-5 giờ sáng. Làng tôi những nghệ nhân làm phở cao tuổi lại hối hả cho kịp nắng. Nhìn lại ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?
Hiện đại
Nghe cô Năm nhà bên kể mấy đứa trẻ bữa qua làm hồ sơ đi làm công ty hết rồi. Bỏ đi cái nghề cha mẹ đã cặm cụi làm nuôi lớn chúng. Nói cũng phải thôi. Việc nhẹ ngồi máy lạnh vù vù, tội chi rang nắng cực ri. Trời hôm nào cũng 40 độ chứ có ít ỏi mô. Còn trưa kể giữa trưa phải đội nắng đi thu Phở sắn lại chứ chả hắn khô quá đà, giòn gẫy hết. Cái nghề chi mà hắn cực lại chẳng được mấy đồng
Những cây cổ thụ
Ồ thế là đám U50 60 chúng tôi trở thành thế hệ “trai tráng” trẻ nhất làng theo nghề Phở Sắn đấy! Nói về cái nghề này cũng ngót nghét đến gần trăm năm. Từ hồi ông bà ông cố. Nghe đâu sử sạch ghi chép lại đầu thế kỷ 20 người dân Thuận An đã gánh phở đi giao thương. Trải qua gần trăm năm, chiến tranh loạn lạc, cái còn cái mất. Nghề phở sắn vẫn leo lét tương truyền. Sức sống mảnh mai dẻo dai y như cái con người xứ Quảng vậy.
Nghề bạc hay người bạc?
Vất vả là thế nên hồi thu được tấm phở khô giòn là mừng lắm. Mấy ai biết được bao nhiêu mồ hôi, công sức bỏ ra. Không giống bất kỳ loại bún phở nào, làm phở sắn đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn gấp nhiều lần để cho ra loại phở có độ dai ngon đúng điệu. Để đến tay người dùng, chỉ ngâm nước lạnh là có thể làm nhiều món ngon.
Vầy mà có người chê đắt hơn phở gạo. Nếu phải kể đến, nguyên liệu phở sắn mắc hơn, làm công phu sạch sẽ lại tốn thời gian hơn gấp 5 lần. Gắp một gắp là tấm tắc. Đấy là chưa kể phở sắn có thể dùng ăn kiêng, ăn chay và rất hạp với người tiểu đường.
Giữ lửa nghề
Hành trình giữ và truyền lửa nghề phở sắn chẳng hề giản đơn. Nhưng mỗi lời động viên sẻ chia là vô cùng trân quý. Giữa khó khăn, ai lại chẳng chọn việc nhẹ nhàng. Nhưng rồi chúng ta sau cùng đều sẽ tìm về với những giá trị nguyên sơ cả thôi. Chúng tôi sẽ tiếp bước và gìn giữ cái nghề này. Để nó không bị mất đi như nhiều làng nghề từng có của Việt Nam.