Sau sự ra đi của anh Trần Lập, có một số nguồn tin không chính thống đăng tin khuyên mọi người nên ăn theo một chế độ dinh dưỡng gọi là high fat low carb, nhằm phòng ngừa ung thư. Thực hư về nguyên lí, công dụng thật sự, cũng như những bất cập khi áp dụng phương pháp này là gì? Chúng ta có nên và cần áp dụng chế độ ăn này ngay để phòng ung thư không? Dưới đây là phân tích của chúng tôi về các vấn đề này.
Thế nào là chế độ ăn High fat low carb?
Các chế độ ăn hight fat low carb, hay còn được gọi là chế độ ăn ketogenic, là chế độ ăn trong đó hàm lượng chất béo cao, protein vừa hoặc thấp, và một lượng rất thấp carbohydrate (đường nói chung). Tỷ lệ về khối lượng giữa chất béo và tổng chất đạm (protein) và đường (carbohydrate) là khoảng 3:1 tới 4:1. Tỷ lệ năng lượng sau khi tiêu hoá vào khoảng 8% từ đạm, 2% từ đường và 90% từ chất béo.
Nguyên lý về mặt lý thuyết
Nguyên lý:
Chế độ ăn uống này được cho là sẽ có hiệu quả để chống sự phát triển của ung thư vì:
- Chế độ ăn uống này buộc cơ thể lấy chất béo để làm nguồn năng lượng chính thay vì đường.
- Các tế bào ung thư dựa chủ yếu vào đường glucose trong máu để tồn tại và sinh sôi.
- Các tế bào ung thư hầu như không có khả năng chuyển hoá năng lượng từ chất béo.
- Thể keton, một sản phẩm của việc tiêu hoá chất béo, còn cho thấy khả năng ức chế sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư.
- Song song đó, giảm đường tức cũng giảm nồng độ insulin và tác nhân tăng trưởng giống insulin (IGF-1), từ đó làm giảm khả năng tăng trưởng của tế bào ung thư qua kênh tín hiệu này.
Cụ thể:
Thông thường, các carbohydrate chứa trong thực phẩm sẽ được chuyển đổi thành glucose, sau đó được vận chuyển đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, nếu có là rất ít carbohydrate trong chế độ ăn, gan sẽ chuyển đổi chất béo thành axit béo và các thể keton (keton body). Các thể keton này sẽ thay thế glucose như một nguồn năng lượng cung cấp cho các tế bào.
Tế bào ung thư có những đột biến khiến chúng có sự khác biệt đáng kế trong quá trình chuyển hóa năng lượng so với các tế bào bình thường trong cơ thể. Ở các tế bào ung thư, quá trình sử dụng glucose cũng như chuyển hóa hydropeoxide tăng cường. Phần lớn các tế bào ung thư sản xuất năng lượng chủ yếu bằng quá trình đường giải hiếu khí (aerobic glycolysis), tức quá trình lên men đường thành axit lactic ngay cả trong môi trường nhiều oxy. Hiệu ứng trên được gọi là hiệu ứng Warburg, nó giúp các tế bào ung thư sử dụng năng lượng từ glucose một cách nhanh chóng và phát triển mạnh hơn các tế bào thông thường, đồng thời hỗ trợ các tế bào ung thư qua khỏi khó khăn của việc thiếu oxy, cũng như tăng tính xâm lấn và di căn.
Tuy nhiên các tế bào ung thư lại thiếu sự linh hoạt trong việc chuyển hóa năng lượng. Ở các tế bào bình thường của cơ thể, nếu lượng glucose giảm, chúng có thể bắt đầu sử dụng axit béo hoặc các thể keton để cung cấp năng lượng. Hầu hết các tế bào ung thư không thể làm điều này vì các ty thể bị sai hỏng, khiến chúng chỉ có thể sử dụng glucose.
Một trong những kênh tín hiệu mà đa số dòng tế bào ung thư sử dụng để kích thích tăng trưởng là kênh insulin/IGF-1. Việc thu nạp ít đường làm giảm tiết insulin, đồng thời làm tăng nồng độ thể keton trong máu. Các thể keton này đã được chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư (các thí nghiệm được tiến hành ngoài tế bào (in vitro) và trên mô hình chuột).
Do đó, việc hạn chế carbohydrate (đường) làm giảm đáng kể nguồn năng lượng của các tế bào ung thư, trong khi các tế bào thường vẫn có năng lượng để hoạt động thông qua việc tiêu thụ các axit béo và thể keton.
Kết quả thực tiễn
Dựa trên lý thuyết trên, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm sử dụng chế độ ăn ketogenic như một liệu pháp điều trị hỗ trợ quá trình điều trị ung thư.
Một số nghiên cứu trên dòng tế bào ung thư vú và ung thư trực tràng cho thấy các tế bào ung thư bị kìm hãm phát triển trong môi trường nuôi cấy chứa lượng lớn thể keton. Các nghiên cứu trên mô hình động vật đã chỉ ra rằng chế độ ăn ketogenic giảm sự phát triển của khối u và cải thiện sự sống trong các mô hình động vật của u thần kinh đệm ác tính, ung thư ruột kết, ung thư dạ dày, và ung thư tuyến tiền liệt.
Các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy chế độ ăn ketogenic có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của ung thư. Tuy nhiên nó chỉ được xem làm một phương pháp hỗ trợ điều trị chứ không phải là phương pháp điều trị chính. Các nghiên cứu thường sử dụng chế độ ăn ketogenic để tăng hiệu quả của các quá trình xạ trị và hóa trị.
Chế độ ăn ketogenic là một phương pháp hiệu quả và tương đối an toàn, phương pháp này đã được kiểm chứng trong việc điều trị chứng động kinh. Chế độ ăn ketogenic cũng đã được chứng minh là tác dụng trong việc điều trị các bệnh nhân bị khuyến khuyết bẩm sinh trong chuyển hóa glucose và các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác. Ngoài ra, có những báo cáo cho thấy một số ít trường hợp có sự cải thiện ở những bệnh nhân mắc chứng tự kỷ, trầm cảm, hội chứng buồng trứng đa nang, và tiểu đường týp 2.
Hạn chế và tác dụng phụ
Thực tế mặc dù chế độ ăn uống có thể giảm lượng glucose cung cấp cho cơ thể, cơ thể vẫn có thể tự tạo glucose thông qua quá trình gluconeogenesis, vì vậy một chế độ ăn uống low carb sẽ chỉ có thể hạn chế chứ không hoàn toàn bỏ đói các tế bào ung thư.
Việc áp dụng chế độ ăn ketogenic cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ tiềm năng. Tác dụng phụ cấp tính của việc tiêu thụ lượng chất béo lớn là mất tập trung, buồn nôn và nôn do không dung nạp đặc biệt là ở trẻ. Một số nghiên cứu về chế độ ăn ketogenic cho thấy sự gia tăng đáng kể hàm lượng cholesterol xấu (LDL) ở bệnh nhân sau 1 năm. Các nghiên cứu cũng cho thấy sự thiếu hụt các khoáng chất vi lượng như selen, đồng và kẽm trong huyết thanh của bệnh nhân thực hiện chế độ ăn ketogenic.
Các nghiên cứu cũng khuyến cáo việc thiếu hụt glucose ở các bệnh nhân ung thư có thể dẫn đến nhiều vấn đề về chuyển hóa và khiến tình trạng bệnh xấu đi.
Quá trình glycosyl hóa cần đến glucose để tổng hợp các protein thiết yếu cho cơ thể. Nếu không có đủ lượng đường, nhiều protein sẽ không được tổng hợp một cách chính xác, dẫn đến đến nguy cơ phát triển ung thư. Do đó, nhiều chuyên gia dinh dưỡng đề xuất một lượng nhỏ carbohydrate trong chế độ ăn (khoảng 100g) sẽ là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên lượng này sẽ thay đổi tùy theo thể trạng và tình trạng sức khỏe của từng người. Đồng thời phải bổ sung các khoáng chất vi lượng thiếu hụt do chế độ ăn.
Kết luận
Tế bào ung thư lấy năng lượng chủ yếu dựa trên đường. Chế độ ăn kenogenic có khả năng làm chậm quá trình pháp triển ung thư, thông qua việc ép cơ thể lấy năng lượng từ chất béo là chính, giảm đường. Đây là phương pháp hỗ điều trị chứ không thể điều trị dứt điểm ung thư, càng không phải là phương pháp có thể áp dụng để phòng ung thư, vì nhiều tác dụng phụ bất lợi khi áp dụng lâu dài.
Việc áp dụng phải theo phác độ điều trị, tùy thuộc vào loại ung thư và thể trang bệnh nhân, và phải có sự hướng dẫn của chuyên gia, không được tuỳ tiện áp dụng để tránh lợi bất cập hại.
Nguồn: Kiến thức ung thư cho mọi người
Categories: Blog