Nếu chưa biết những điều này xin đừng ăn sắn

Sau gạo ngô khoai thì sắn là một trong “tứ đại” lương thực thiết yếu của người Việt. Có thể bạn chưa biết nhưng chiết xuất từ củ sắn có mặt hầu hết trong các loại thực phẩm tiêu dùng hằng ngày, các sản phẩm công nghiệp và thậm chí là xăng dầu. Nhưng với củ sắn tươi thì không dễ dàng như vậy? Có những “đại kỵ” bạn tuyệt đối nên biết trước khi ăn sắn.

Là cây nông nghiệp ngắn ngày, sắn được canh tác rộng khắp cả nước, nhất là những vùng đất dốc thoải. Loại cây này chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và cho thu hoạch sau khi trồng từ 6-8 tháng. Thời gian tốt nhất để sử dụng củ sắn là trong khoảng 1-2 ngày sau thu hoạch. Vậy có điều gì trong sắn mà khiến nhiều người e ngại đến vậy?

Tuyệt đối không ăn sắn sống

Củ sắn chứa một lượng axit cyanhydric (HCN) đáng kể, trong khoảng từ 15mg đến 400 mg/kg tùy thuộc vào loại sắn. Với các loại sắn ngọt, tỉ lệ này là 15–50 mg/kg củ sắn. Và sắn càng đắng thì hàm lượng xyanua càng cao. Trong khi đó, liều lượng gây tử vong của xyanua qua đường tiêu hoá theo ghi nhận là 1mg/1 kg trọng lượng cơ thể. Do vậy sắn có thể trở nên cực độc nếu ăn sống.

Bà bầu không nên ăn sắn

Sắn luộc, sắn hấp là món ăn vặt phổ biến và ngon lành mà các bà bầu hay nghĩ đến mỗi bữa phụ. Tuy nhiên, do chứa nhiều xyanua nên khi ăn rất dễ gây rối loạn tiêu hóa hay thậm chí là ngộ độc. Do đó, các bà bầu nên hạn chế ăn loại củ này. Nếu thèm có thể ăn nhưng không nên tiêu thụ quá nhiều, để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra cho mẹ và bé.

Trẻ nhỏ không nên ăn sắn

Do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa thực hiện tốt việc tiêu hóa và loại thải độc tố. Nếu cho trẻ ăn nhiều, các chất độc tố có thể tích tụ lại trong cơ thể trẻ lâu ngày và gây bệnh. Đặc biệt, càng không nên cho trẻ ăn sắn vào lúc đói vì có thể dẫn đến ngộ độc.

Vậy có nên “kiêng” hẳn sắn?

Mặc dù có một khuyết điểm chết người, tuy nhiên cũng không cần quá lo lắng. Xyanua trong củ sắn là chất dễ tan trong nước và bay hơi ở nhiệt độ 25.6 độ C. Do đó chỉ cần chế biến đúng cách, sắn sẽ trở thành món ăn ngon và lành tính. Đầu tiên tách bỏ lớp vỏ gỗ và vỏ lụa rồi đem ngâm củ sắn trong nước trong nhiều giờ đồng hồ. Quá trình này giúp hòa tan lượng độc tố có trong sắn. Sau cùng hãy đem củ này đi hấp hoặc luộc chín hoàn toàn, giúp bay hơi 100% số xyanua còn lại và có thể hoàn toàn an tâm khi thưởng thức.

Thức quà nào từ sắn?

Quế Sơn – vùng đất chưa mưa đã thấm, ruộng kể chân núi, đất đai khô cằn là vùng đất lý tưởng để trồng sắn. Mùa nối mùa vụ nối vụ, sắn góp mặt trong hầu hết những bữa cơm nhà. Dần dà, ngoài độn cơm độn sắn, người ta còn sáng tạo ra món phở từ củ sắn (gọi là phở sắn, hoặc bún sắn), bánh tráng sắn, …cực kỳ ngon thơm và đượm vị. Trở thành món đặc sản được săn đón trên khắp cả nước.

Tựu chung sắn có thể trở thành độc dược khi ăn sống, không thân thiện với bà bầu và trẻ nhỏ. Nhưng chỉ cần chế biến củ sắn đúng cách, người ta sẽ tạo ra những tinh túy ẩm thực ngôn bất ngờ.

Categories: Blog