Thời của chúng tôi sinh ra ngấp nghé vào khoảng trước, trong và sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Nếu sinh ra trước ngày giải phóng một vài ba tháng, còn tồn tại cũng được sống trong thời bình mà không còn phải nghe, sợ tiếng súng, tiếng bom… Song, lớp người hậu sinh chúng tôi, nhất là những người sống ở vùng nông thôn, vùng khó khăn cũng trải qua, nếm đủ dư vị mặn mòi khoai sắn.
Sau ngày giải phóng gia đình tôi đi kinh tế mới vào Tây Nguyên. Nhà đông anh em, lao động chính là ba theo mô hình hợp tác xã đánh kẻng đi làm, cuối ngày về tính điểm nên không đủ lúa gạo lương thực nuôi các con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bí quá ba cùng với mấy anh em trai đầu trong nhà đợi trời tối mang cuốc, rựa… lên giữa quả đồi cách nhà 3 km để phở đất trồng thêm khoai sắn, vì thời điểm này không cho làm ngoài tập thể. Thế là khoai sắn dồi dào hơn, có điều kiện để “gối đầu”, không còn phải thiếu đói. Hơn thập niên (1975 – 1986), chúng tôi lớn lên cùng khoai sắn làm nguồn lương thực chính, những hạt cơm ít ỏi bám dưới đáy nồi, thành nồi thì luật bất thành văn là nhường cho mấy đứa em nhỏ đang đói ăn. Thật lòng là thèm hạt cơm đến “chảy dãi” mà cũng đành gạt ít cơm còn bám vào khoai sắn nấu chung nhường cho em. Một thời gian dài sau trưởng thành không muốn nhớ đến nó là vậy, mà chỗ nào ai có thật lòng mời củ khoai, sắn thơm ngon cũng tìm cách chối “em nó”. (trích tản văn Hồ Văn)
Ấy thế mà , sau một hồi thịt thà cá mú đầy ắp thời nay, thi thoảng chúng tôi lại nhớ về hương vị mặn mòi khoai sắn và thèm. Thậm chí có nhiều người già trước lúc lìa đời, mong ước chỉ là được ăn lại một hai củ khoai, sắn luộc. Con người vốn dĩ kỳ là vậy đấy. Có nhẽ, sâu trong tâm thức chúng ta đã và luôn muốn trở về với cội nguồn.